Nửa đầu năm 2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận hàng loạt dự án quy mô lớn được khởi công, phản ánh xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực nhờ lợi thế hạ tầng và vị trí chiến lược ven biển.
Biểu tượng mới trên trục Thùy Vân
Ngày 21/6, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao (Five Star Group) khởi công hai tổ hợp khách sạn và căn hộ 5 sao gồm Five Star Odyssey và Five Star Poseidon, tọa lạc trên đường Thùy Vân – trục du lịch biển sôi động nhất TP Vũng Tàu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng và được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn mới về kiến trúc và dịch vụ lưu trú cao cấp tại địa phương.
Hai tổ hợp này được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, từng đoạt giải thưởng Kiến trúc Căn hộ – Khách sạn hạng mục Luxury đẹp nhất châu Á – Thái Bình Dương năm 2025, do tổ chức International Property Awards trao tặng. Bên cạnh không gian lưu trú, dự án tích hợp các tiện ích giải trí, thương mại và hai hầm đi bộ ven biển kết nối khu vực công viên – quảng trường Tam Thắng với khu nghỉ dưỡng lân cận.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng đô thị biển và là bước đi cụ thể trong việc định vị Vũng Tàu trở thành “thành phố nghỉ dưỡng – Resort City” trong tương lai gần.
Dòng vốn tỷ USD liên tiếp đổ về
Trước đó không lâu, ngày 15/5, tại khu vực biển Xuyên Mộc, dự án phân khu mới 35ha của tổ hợp The Grand Hồ Tràm cũng được khởi công, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Dự án do liên doanh giữa các đối tác trong và ngoài nước thực hiện, bao gồm hệ thống khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, casino, trung tâm hội nghị – triển lãm với quy mô hơn 6.000 phòng lưu trú.
Một ngày sau, ngày 16/5, Tập đoàn Sun Group khởi công Khu đô thị đường 3/2, quy mô 96ha tại TP Vũng Tàu với tổng vốn gần 37.000 tỷ đồng. Dự án được quy hoạch gồm 5 phân khu chức năng: căn hộ cao tầng, biệt thự, trung tâm thương mại, khách sạn và công viên nước chủ đề rộng 19ha – được xem là một trong những công viên nước lớn nhất khu vực phía Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định địa phương sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ pháp lý và rút ngắn thủ tục để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai hiệu quả.
Động lực từ đầu tư công và hạ tầng
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định đầu tư công là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong năm 2025, địa phương tập trung vốn ngân sách cho các dự án hạ tầng giao thông, logistics, góp phần tạo nền tảng vững chắc để thu hút thêm dòng vốn đầu tư tư nhân và vốn ngoại (FDI).
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp FDI lớn đã tăng vốn tại địa phương, điển hình như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) công bố tăng thêm 1,5 tỷ USD cho nhà máy tại khu vực. Các tập đoàn khác như CJ, Samsung (Hàn Quốc), Marubeni (Nhật Bản) hay Grand (Mỹ) cũng đang mở rộng hoạt động tại tỉnh.
Hơn 73 dự án mới trong 5 tháng
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong 5 tháng đầu năm, địa phương đã cấp mới và điều chỉnh vốn cho 73 dự án, với tổng giá trị quy đổi hơn 4 tỷ USD. Trong đó, có 37 dự án FDI với vốn đăng ký khoảng 1,25 tỷ USD, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp trong nước, đạt khoảng 2,75 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 6, tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước cấp mới và tăng thêm đạt hơn 109.000 tỷ đồng, tăng 66,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn FDI đạt khoảng 1,26 tỷ USD (đạt 60,1% kế hoạch cả năm), còn vốn trong nước đạt hơn 76.000 tỷ đồng (tương đương 93,8% kế hoạch năm).
Riêng về đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm, tỉnh cấp mới 21 dự án với tổng vốn 415 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với giá trị 846 triệu USD. Ngoài ra, có 6 hồ sơ được chấp thuận góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị 3,4 triệu USD.
Về đầu tư trong nước, có 42 dự án được cấp mới và điều chỉnh vốn với tổng giá trị hơn 76.400 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện Bà Rịa – Vũng Tàu có 713 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký khoảng 452.000 tỷ đồng và hơn 1 tỷ USD; trong đó các khu công nghiệp chiếm khoảng 297 dự án.
Nhiều siêu dự án chuẩn bị triển khai
Ngoài các dự án đã khởi công, trong năm 2025, tỉnh tiếp tục đón nhận loạt đề xuất đầu tư quy mô lớn. Một số dự án đáng chú ý gồm:
- Khu thương mại – dịch vụ – giải trí Xuyên Mộc (98,56ha)
- Trung tâm thương mại – sân golf Láng Dài (150ha)
- Tổ hợp du lịch – sân golf Côn Đảo (255,5ha)
- Khu nghỉ dưỡng cao cấp Xuyên Mộc (13,6ha và 26,5ha)
- Dự án du lịch – nghỉ dưỡng Mũi Nghinh Phong (100ha)
- Khách sạn cao cấp 30 tầng tại Vũng Tàu (1,4ha)
- Khu du lịch nghỉ dưỡng Cỏ May 2 – Bà Rịa (85,5ha)
- Khu đô thị sinh thái Gò Găng (1.389ha)
- Khu đô thị mới Tây Nam – Bà Rịa (1.794ha)
- Bệnh viện đa khoa tại phường 11 – Vũng Tàu (4,04ha)
- Khu đô thị sinh thái Vượng Phát – Long Đất với tổng vốn 4.539 tỷ đồng
Bên cạnh đó là các dự án phức hợp như Trung tâm thương mại 40 – 50 tầng (Thắng Tam), Khu đô thị Cù Lao – Bến Đình, các khu nhà ở quy mô lớn tại Phú Mỹ và Long Điền.
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn
Theo đánh giá của giới chuyên gia, làn sóng đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ phản ánh sức hút từ vị trí cửa ngõ kinh tế Đông Nam Bộ, mà còn cho thấy hiệu quả của chính sách phát triển hạ tầng đồng bộ, chiến lược xúc tiến đầu tư và cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian qua.
Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư “Lựa chọn Bà Rịa – Vũng Tàu” vào cuối tháng 5, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính nhận định: “Tỉnh có vị trí chiến lược, là trung tâm công nghiệp – dịch vụ – cảng biển và du lịch phía Nam, sở hữu tiềm năng nổi trội về logistics, dầu khí và kinh tế biển, hoàn toàn có thể trở thành cực tăng trưởng mới sau khi sáp nhập hành chính với TP.HCM”.